Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk, tọa lạc tại vùng đất Tây Nguyên xinh đẹp. Là vùng đất có khí hậu ôn hòa và mở ra một chân trời mới với nhiều cảnh quang thiên nhiên hùng vĩ, cánh đồng cà phê rộng lớn, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên lớn, đa dạng văn hóa do có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống tại nơi đây. Bên sự trù phú của thiên nhiên Buôn Mê Thuột, nơi đây còn sở hữu nhiều món ăn độc đáo khiến du khách phải thử một lần trong đời, dưới đây là danh sách những món ăn nổi tiếng tại Buôn Mê Thuột cho mọi người tham khảo nha:
1. Bún Chìa:
Bún chìa, hay còn gọi là bún giò chìa, đặc sản Buôn Ma Thuột khiến du khách tò mò ngay từ cái tên là một trong những món khoái khẩu của Hành mỗi lần vi vu đến vùng đất này. Với cách chế biến nước dùng gần giống như bún bò Huế, bún chìa vẫn luôn biết cách tạo nên điểm khác biệt cho chính mình trong cách lựa chọn nguyên liệu. Thay vì dùng thịt bò, nguyên liệu chính của bún chìa là thịt heo, đặc biệt là phần tảng thịt phía chân sau của heo. Thịt heo được mua về, rửa sạch rồi ninh nhừ cho ra nước dùng sau đó vớt ra để nguội cũng như giữ lại được độ ngọt của thịt, cứ đến lúc có khách gọi bún, chủ quán lại vớt từng cục giò chìa thả vào nồi nước dùng lại cho nóng, rồi cho vào tô đã có sẵn mắm ruốc, rồi thêm chút hành lá, hành tây nữa là ta đa hoàn thành bún chìa Buôn Ma Thuột mê hoặc bao người.
Nước dùng nóng hổi thơm lừng, đậm đà và thanh dịu cộng với chút vị thơm nồng của mắm ruốc, của những khúc giò chìa được ninh nhừ béo ngậy…khiến ai nấy đều tỉnh táo sau một chuyến hành trình dài. Món bún giò chìa được ăn kèm với rau sống giúp thực khách cảm thấy ngon miệng và không bị ngấy. Món ăn thật sự đầy đặn, đủ vị, thích hợp với những người “phàm ăn”, những người dừng chân vội vàng khi gặp thời tiết lành lạnh mỗi buổi tối ở Buôn Ma Thuột.
2. Bún đỏ:
Vùng đất Ban Ma Thuột không chỉ có đất đỏ bazan mà có thứ khác cũng đỏ nốt, đó là…bún đỏ. Khác với sự chế biến cầu kỳ, tinh tế của bún bò Huế, bún riêu cua, bún đỏ Buôn Ma Thuột có phần giản dị và thanh đạm hơn. Nguyên liệu chính là từ cua đồng, chả viên và những quả trứng cút luộc. Tuy nguyên liệu đơn giản nhưng với sự sắp xếp, phối hợp tài tình của đầu bếp, bún đỏ trở nên thật hấp dẫn với sắc đỏ cam của hạt điều, đỏ tươi của những lát cà chua cắt, màu xanh của rau kèm, màu nâu của riêu cua, của chả cá và màu trắng nõn của trứng cút luộc.
Bún đỏ có hương vị gần giống với bún riêu cua. Ngoài màu đỏ đặc trưng, bắt mắt, món ăn có sợi bún đỏ dai, nước dùng đậm đà, quyện vị béo, thơm của tóp mỡ, chả viên và trứng cút luộc quyện cùng các loại rau xanh ngọt mát. Bún đỏ là món ăn khá phổ biến ở Buôn Ma Thuột bởi dễ chế biến, hương vị dân dã, đậm chất núi rừng và bởi sắc đỏ riêng biệt của nước dùng, thấm cả vào sợi bún cũng như màu đất đỏ thân thương của vùng đất ấy.
3. Bánh canh cá dầm:
Cá dầm là một loại nước lèo để ăn với sợi bún, đặc biệt chỉ được làm từ các loại cá biển như cá ngừ, cá thu, cá cờ…Cá mua về được làm sạch, gỡ xương, dầm ra từng mảnh nhỏ thả vào nồi nước. Người nấu thành công nước lèo với cá là nồi nước lèo không tanh mùi cá, nước lèo phải trong và thơm thoang thoảng mùi cá. Vị ngon của bánh canh còn nằm ở thứ nước dùng được ninh từ đầu, xương cá có vị ngọt ngọt, chua chua, cay cay – hương vị rất đặc trưng yêu thích của miền Nam mà nhiều người “mê mệt”. Sợi bánh canh là bánh canh xắt, được làm từ bột gạo cùng với nước rồi cho vào chảo giáo trùng, tạo nên cảm giác vừa lạ miệng vừa đặc sắc.
Bát bánh canh được dọn ra không chút mỡ màng, điểm xuyến vài cọng hành ngò xanh mướt, rắc vài hạt tiêu, trên mặt là chả cá hấp lẫn chiên cắt lát trông rất hấp dẫn. Thưởng thức bánh canh, người ta không bao giờ dùng đũa, chỉ cần một chiếc thìa to là đã có thể xì xụp hết bát bánh canh một cách ngon lành, tận hưởng trọn vẹn hương vị mộc mạc mà hồn hậu của nền ẩm thực nơi đây.
Sự khác biệt của món này so với các loại bánh canh khác là bánh canh mềm, sợi to gấp 3-4 lần sợi bún nhưng lại rất dễ ăn. Hương vị của tô bánh canh rất đặc trưng bởi vị mặn mà từ những con cá tươi ngon. Bát bánh canh “chất” bởi khúc cá biển mềm, ngọt, thơm và không có một chút xương nào. Dù bạn có dầm nát miếng cá thu hòa lẫn cùng nước dùng thì bát bánh canh cũng không bao giờ bị tanh nồng, trái lại còn thấy ngon hơn, thú vị hơn nhiều.
4. Bánh ướt Buôn Mê:
Những ngày lười phải ngồi xì xụp húp tô bát nước lèo nóng hổi đổ mồ hôi thì bánh ướt là một lựa chọn yêu thích tại vùng đất đỏ này. Mỗi vùng lại có mỗi cách ăn bánh ướt khác nhau, và với người con Sài Thành, bánh ướt Buôn Ma Thuột hay còn gọi là bánh ướt trùm mền là món đặc sản thật sự thu hút không chỉ cách chế biến mà còn bởi cách thưởng thức.
Nếu bánh ướt ở những nơi khác đã được cuốn, cắt rồi bày biện cùng rau ăn kèm sẵn cho khách thì bánh ướt Ban Mê lại để cho thực khách tự lựa chọn món ăn kèm cho bản thân ở mỗi cuốn bánh. Tất cả nguyên liệu đều được thái sợi sẵn và bày biện theo từng đĩa khác nhau. Đầu tiên, quán sẽ bưng cho Hành một đĩa bánh ướt được tráng mỏng có rắc một ít tôm chấy, mỡ hành để Hành có thể chủ động lựa chọn nguyên liệu Hành muốn thêm vào và dùng đũa cuốn. Trên bàn có đầy đủ các loại ăn kèm từ dưa leo, xoài, dưa cải, rau thơm, rớt xanh, nem nướng, chả cốm đến món đặc biệt là thịt nướng. Thịt được ướp thật đậm đà, nướng bằng than cho tăng thêm độ thơm ngọt của thịt. Nước chấm cũng được làm cầu kì với đa dạng các loại như mắm nêm, mắm ngọt, mắm tỏi ớt, nước sốt thịt tùy vào khẩu vị và chọn lựa của từng người.
Hành thích ăn kiểu này lắm, tại bánh ngon hay không, lựa chọn nhân bánh như thế nào thì là do bản thân mình. Sự đa dạng trong nước chấm và nhân bánh cho thấy sự cầu kì của một món ăn tưởng chừng như đơn giản. Mỗi lần, bếp chỉ đưa ra một cái để đảm bảo bánh luôn nóng khi tới tay khách hàng. Lúc tính tiền chủ quán chỉ cần nhìn đĩa để tính. Chính vì vậy mà khi ăn món này, các bạn nên đi ăn với bạn bè hoặc người thân để có thể “tám chuyện” trong khi chờ bánh cho đỡ sốt ruột. Quán cứ bưng theo dĩa, Hành cuốn rồi ăn ăn rồi cuốn, ngước mặt lên thấy đã ăn sạch 20 đĩa lúc nào không hay cả nhà nhớ thử món này nhé.
5. Gỏi cá đắng với cá cơm chiên giòn:
Vị món này không đắng như tên gọi đâu nha, giòn giòn như kiểu dưa góp, hơi vị chua nhẹ và cay đặc trưng. Cá cơm giòn rùm rụm, hơi mặn nhẹ, ăn cùng với cà đắng là tròn vị, đủ đầy, rất ngon. Khi ăn món này, bạn nên nên chuẩn bị tâm lý chung là nó sẽ cay xé lưỡi, cay nhưng mà lại ngon.
Trái cà có vị đắng giống cà pháo nhưng nhỏ hơn, có gai và màu xanh sọc đốm trắng. Cà được người đồng bào gọi là Prền Bơtang, Sơre Prền, Đưng Prền, người miền xuôi gọi là cà đắng. Đây là một loại cây dại mọc nhiều trong rừng, thường được đồng bào Ê đê, K’Ho hay Chu Ru mang về trồng trong vườn nhà, có trái quanh năm. Người dân Buôn Ma Thuột thường dùng trái cà đắng để chế biến thành nhiều món ăn, trong đó phải kể đến món gỏi với cá cơm. Cá cơm là loài hải sản, chẳng có ở núi rừng Tây Nguyên. Nhưng ngộ ở chỗ, mang khô cá cơm ở vùng biển trộn với gỏi cà đắng lại trở thành món ăn ngon đáo để. Món ăn ngon hay không được quyết định bởi thứ nước rưới vào, được pha chế bằng nước cốt chanh trộn với tỏi, đường và ớt rồi mới cho nước mắm vào sau cùng. Nguyên liệu cứ để riêng, lúc nào cần ăn thì cho tất cả vào âu rồi trộn đều, thêm một chút ngò gai nữa là đủ vị.
Trong không khí se lạnh của núi rừng Tây Nguyên bạn đừng quên thưởng thức miếng gỏi đậm vị kèm chút rượu cần nha, say rượu, say món ăn, say cả cái không khí và sự thân thiện, gần gũi của người dân nơi đây.
6. Rau tập tàng:
Đây không phải là món ăn cụ thể, nhưng vẫn là đặc sản của Buôn Ma Thuột mà Hành muốn gợi ý cho mọi người. Đây là cách gọi tổng hợp các loại rau hoang dã thường mọc ở các khu vườn. Rau tập tàng có quanh năm, nhưng đặc biệt là vào mùa mưa, rau đặc biệt tươi ngon và phát triển rất mạnh. Trong hầu hết các nhà hàng, quán ăn ở Buôn Ma Thuột, trong bếp ở mỗi gia đình luôn có rau tập tàng để chế biến như các món như rau tập tàng nấu cua, rau tập tàng nấu tôm,…
Mỗi vùng miền, mỗi khu vực đều có những món ăn riêng biệt tạo nên điều đặc trưng ở nơi ấy. Hãy tranh thủ đi thiệt nhiều, chơi thiệt đã, nếm thử đặc sản của mọi miền vì ta chỉ sống có một lần thôi các bạn nhé.